Bình Tam Quốc: Tính quyết đoán của nhà lãnh đạo



Cuối đời Hán, hoàng thất nghiêng ngả, không ai có thể nâng đỡ nổi. Nhiều người tài bắt đầu cũng ôm chí "phù địa trục" nhưng không thành, đành ra đi lập nghiệp theo ý mình, dần trở thành các sứ quân, khuynh loát lẫn nhau.

Người nào theo phe thất trận suy tàn phải chôn vùi một đời, lãng phí tài năng và một bầu tâm huyết. Cao Thuận là thiên tài quân sự, Trần Cung mưu kế chí lớn đầy mình lại trọng danh dự, phải thân bại danh liệt theo Lã Bố, có khác gì lũ Tào Tính, Hầu Thành. Điền Phong, Thư Thụ và giới kẻ sĩ Hà Bắc, cùng thất bại theo Viên Thiệu. Hoàn Phạm nổi danh túi khôn, bị diệt tộc cùng Tào Sảng, cho đến một ông thầy bói như Quản Lộ cũng khinh rẻ, cho là thây ma còn cử động.

Nhưng cũng có những người như Triệu Vân bỏ Công Tôn Toản theo Lưu Bị, Trương Liêu, Trương Cáp bỏ Lã Bố, Viên Thiệu về với Tào Tháo, Cam Ninh bỏ Hoàng Tổ về với Tôn Quyền, đều làm nên sự nghiệp lớn, lưu danh sử sách để đức cho đời.

Các sứ quân khi còn tung hoành, oai quyền đều rực rỡ, người người cầu kiến, khí thế như mặt trời giữa trưa. Kìa như Viên Thiệu cầm quân Hà Bắc trăm vạn, trảy về Quan Độ làm Trung Nguyên, chấn động. Lã Bố anh hùng vô địch, một ngựa xích thố, một thiên phương họa kích, anh hùng thiên hạ không ai dám địch. Tướng tài trong thiên hạ như Quan, Trương, Triệu, Hứa, Điển, Hạ Hầu chỉ có thể thành danh, lập uy sau khi Bố qua đời. Dưới tay lại có 8 kiêu tướng. Một người còn sót lại như Trương Liêu, có thể làm Đông Ngô khiếp sợ. Tào Sảng nắm quyền chấp chính oai át cả vua lại là hoàng thân, dưới tay lại có nhiều thủ hạ đa mưu túc trí. Cuối cùng cũng đều thân bại danh liệt chỉ vì thiếu quyết đoán.

Tiêu chuẩn chọn nhà lãnh đạo là phải quyết đoán. Tào Tháo, Lưu Bị, Tôn Quyền không phải không có lúc thất bại, thậm chí kế cùng lực kiệt. Hơn người chẳng qua là quyết đoán.

Viên Thiệu dùng dằng không quyết, nửa đánh nửa giữ ở Quan Độ mà thua Tào Tháo nghe mưu quyết chiến của Tuân Úc. Lã Bố nghe mưu Trần Cung, rồi không quyết vì nghe Điêu Thuyền mà bị bắt. Lưu Biểu không quyết lập con trưởng mà mất cơ nghiệp. Lưu Chương có thể được gọi là thương dân, nhưng không quyết nên bị gọi là nhu nhược ngu hèn.

Thế mới biết quyết đoán là tố chất hàng đầu của nhà lãnh đạo. Thiếu tri thức mưu kế sẽ có người giúp. Có khiếm khuyết còn có thể sửa. Người không quyết đoán không thể làm lá cờ để người khác theo. Còn những kẻ múa may quay cuồng làm bộ tịch diễn tuồng làm bộ đạo đức mị dân đều không đáng để tâm tốn công mất thời gian vô ích.
Share on Google Plus

About Phạm Thu Hương

Thông tin bình luận hay nhất về các nhân vật, sự kiện trong tam quốc diễn nghĩa
    Blogger Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét